Câu 219: Có phải làm lễ ” tạ đất ” không khi đã đi theo Phật? Câu 220: Làm lễ cưới cho con sinh đôi đúng hay sai?
?
Bạch Thầy! Con tu Đạo Phật đã nhiều năm rồi. Hằng năm gia đình con có phải làm lễ “tạ đất” không ạ? Nếu phải tạ đất khi tạ thì con phải làm như thế nào? Xin Thầy hoan hỷ chỉ cho.
Trả lời:
Ở Việt Nam chúng ta có tín ngưỡng ” tạ đất “, tạ đất không phải là tạ cái cục đất mà là tạ ơn ông Thần đất.
Lễ tạ này mang ý nghĩa tri ân. Tri ân chư vị Thổ Thần đã hộ trì cho mình. Nếu làm lễ thì có thể làm ngay tại ban thờ Phật nhà mình. Chúng ta bạch thỉnh các vị ấy lên và bạch nôm na như thế này: ” Hôm nay là ngày cuối năm 23 tháng Chạp, chúng con sắm sửa mâm cơm chay tịnh. Trước là cúng dường trên mười phương chư Phật, chư Bồ tát, Thánh Hiền; thứ nữa là cúng dường cho hết thảy chư vị chư thiên, chư thần, Thổ Thần, Thổ địa, Long Thần ở đây, mong các vị hộ trì cho chúng tôi”. Rồi sau đó chúng ta phát nguyện sám hối, tụng kinh, bố thí, phóng sinh để hồi hướng phúc báu cho họ.
Việc tri ân các vị ấy là tốt, nhưng không bắt buộc, nếu chúng ta không có thời gian thì cũng không sao cả.
Câu 220: Làm lễ cưới cho con sinh đôi đúng hay sai?
Con bạch Thầy! Nhà con sắp sửa sinh một trai, một gái. Bên ngoài họ bảo là phải làm lễ cưới cho hai cháu sắp ra đời. Con đang băn khoăn suy nghĩ không biết phải làm sao, vậy con xin Thầy từ bi giải đáp cho con được rõ?
Trả lời:
Thưa các Phật tử, đây là một tục lệ của người xưa. Ở trong dân gian họ thường nói nếu mà ai đẻ sinh đôi một trai, một gái tức là hai đứa này có nhân duyên vợ chồng với nhau, do kiếp trước không lấy được nhau nên nguyện sinh vào một nhà. Thầy thì không nghĩ là như thế. Đương nhiên hai đứa phải có nhân duyên với nhau, nhưng sao chúng ta phải khẳng định là nhân duyên vợ chồng mà phải làm lễ cưới nhau. Nếu là nhân duyên vợ chồng thì một đứa phải sinh ra ở nhà này, một đứa sinh ở nhà bên hàng xóm để dễ gần nhau rồi lấy nhau. Chứ sinh ra làm anh, làm em thì làm sao mà lấy nhau được. Vì thế Thầy không tán thành việc phải làm lễ cưới cho các cháu. Chúng ta chỉ làm lễ tác phúc, giải nghiệp cho các cháu cho chúng nó hóa giải những oán kết, ái kết với nhau chứ không phải làm lễ cưới. Lễ cưới hai người cùng chung huyết thống, việc này trái luân thường đạo lý, không đúng với giáo lý đạo Phật.
Đăng nhận xét