Đức Bồ Tát Quan Thế Âm

Đức Bồ Tát Quan Thế Âm

(Bài thuyết trình nhân Lễ Vía Đức Quan Âm tại chùa Huê Lâm, Việt Nam, 21/7/1986)
Nam mô A Di Đà Phật,
Nam mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ tát,
Ngưỡng bạch Sư Trưởng,
Kính bạch Chư Đại Đức Ni và quý Chư Ni,
Kính thưa quý bác và quý Phật tử hiện diện,
 Hôm nay là ngày Lễ Vía Đức Quan Thế Âm Bồ tát, con, pháp danh Tâm Quang, vâng lời Sư Trưởng, con xin trình bày về sự linh cảm của Đức Quan Thế Âm Bồ tát để tỏ lòng tán thán hạnh đức Từ Bi cao quý của Ngài đối với chúng sanh.  Ngài là vị Bồ tát có nhân duyên cơ cảm thuần thục đối với cõi Ta bà cho nên danh hiệu của Ngài rất thường được tụng niệm và quy kính.
Vì sao chúnh sanh ở cõi Diêm Phù Đề thường hay xưng niệm danh hiệu Ngài?
Tâm nguyện của Ngài tượng trưng cho hạnh Từ Bi.  Có câu nói:
            
Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ
Nghĩa là lòng Từ có thể ban vui, lòng Bi có thể cứu khổ.
Hạnh nguyện Từ Bi của Ngài thể hiện trong việc quán sát tiếng kêu khổ của chúng sanh để thị hiện cứu vớt, trí năng quán của Bồ tát cùng với cảnh sở quán thế giới chúng sanh duy thị là nhất tâm, cho nên gọi Quán Thế Âm.
Đức Quan Thế Âm Bồ tát dùng tâm Từ Bi để cứu độ chúng sanh cho nên tôn tượng của Ngài thường được tạc hình phụ nữ, và chúng sanh thường cung kính gọi Ngài là Mẹ Hiền Quan Âm, vì tình thương của Ngài đối với chúng sanh chẳng khác tình thương trọn vẹn, xả kỷ vị tha tuyệt đối của người mẹ đối với đàn con dại.
Tay Ngài cầm cành dương để tiếp dẫn chúng sanh, cành dương tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục, cũng như cây dương vẫn giữ vẹn màu xanh tươi mát trong tiết đông giá lạnh.  Bình nước cam lồ rưới tắt phiền não, tịnh thuỷ ấy cũng chính là tự tâm thanh tịnh vốn sẵn đủ nơi mỗi chúng sanh.
Chúng sanh chiêm ngưỡng tôn tượng Ngài khởi lòng quy kính, xưng niệm danh hiệu Ngài, kết nhân duyên lành với Phật Pháp, sự tín thành sâu đậm thì điều linh ứng sẽ tuỳ thời hiện.
Lòng Từ Bi của Đức Quan Thế Âm Bồ tát ví như ánh sáng mặt trời, soi rọi những chỗ tối tăm.  Nhưng ánh sáng mặt trời làm sao soi thấu nơi chậu úp, phòng kín, cũng thế, lòng Từ Bi của Đức Quan Thế Âm Bồ tát không thể cơ cảm đến những tấm lòng khép kín được.  Do vậy, chúng ta hãy trải mở rộng lòng tin để đón nhận ánh huy quang rực rỡ của Đức Quan Thế Âm Bồ tát, để cho Đức Quan Thế Âm Bồ tát có đủ cơ duyên tiếp nhận chúng ta trong Bi nguyện rộng lớn của Ngài.
Nhơn đây, Phật tử cần phải phát khởi lòng tin mạnh mẽ, vững chắc.  Lòng tin của người Phật tử không phải là lòng tin mù quáng, vô điều kiện, bất chấp đúng hay sai, phải hay quấy, mê tín hay chánh tín, mà lòng tin đây phải là kết quả của sự suy luận sáng suốt, của sự quan sát kỹ càng, và là căn bản phát sanh mọi hạnh lành.
Đức Phật dạy:
            
           
         
           

 

Tín vi vô lượng công đức mẫu
Tín năng thành tựu Phật Bồ Đề
Tín năng trưởng dưỡng công đức hải
Tín năng siêu xuất sanh tử khổ
Lòng tin là mẹ của vô lượng công đức
Lòng tin có thể thành tựu Phật Bồ Đề
Lòng tin có thể nuôi lớn biển công đức
Lòng tin có thể vượt qua khỏi khổ sanh tử


 

Lòng tin vững chắc, mãnh liệt, đến chỗ nhất tâm xưng niệm, cần cầu tinh tấn, có cảm tức có ứng, cũng như dòng điện kia nếu bật nút thì sẽ làm cho máy móc phát động, do đây mới xưng là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ tát.
Đến đây con xin nêu lên một sự tích về lòng tin được Đức Quan Âm cứu vớt qua khỏi khổ nạn.
Thuở xưa có người buôn gạo ở xứ Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang, phụng thờ Đức Quan Thế Âm rất thành kính.  Nhà chỉ có hai vợ chồng mà thôi.
Một đêm chủ nhà nằm mộng thấy Đức Quan Thế Âm mách rằng: “Ngươi sắp bị đại nạn nên ta đến đây để cứu ngươi”.  Sau đó liền nói bài kệ và dặn dò chủ nhà phải nhớ cho đầy đủ rõ ràng.  Bài kệ 4 câu:


 

Phùng kiều mạc đình châu
Ngộ du tức mặc đầu
Đẫu cốc tam thăng mễ
Thương thằng bỗng bút đầu
Gặp cầu đừng đậu ghe
Gặp dầu lấy xoa đầu
Đấu lúa ba thưng gạo
Lằng xanh bu đầu bút


 

Sau khi tỉnh giấc ông ấy nhớ rất rõ 4 câu kệ và cho là quái lạ cho nên không quên tí nào.  Qua ngày sau ông mướn ghe đi chở lúa gạo, chẳng may giữa đường gặp gió mưa dữ dội, người bạn ghe có ý muốn đậu ghe dưới mạn cầu để tạm tránh mưa gió.  Người buôn gạo sực nhớ việc trong mộng, nhớ câu “Gặp cầu đừng đậu ghe” liền đốc suất bạn ghe lướt nhanh tới, đừng nên đậu.  Quả nhiên, lúc chiếc ghe vừa vượt qua khỏi cầu thì cầu liền sụp ngay.  Hú vía, thoát chết một lần.  Nhân đây ông cảm nghiệm được sự linh ứng của Bồ tát Quan Thế Âm, càng ra sức tụng niệm lễ bái nhiều hơn nữa.
Kế, một đêm kia, đang lúc ông quỳ tụng chưa đứng dậy, bỗng nhiên chiếc đèn treo trước bàn Phật rơi xuống, dầu trong đèn đổ ra lai láng.  Do câu đầu của bài kệ đã có ứnh nghiệm, giờ đây gặp dầu đổ và câu thứ hai trong bài kệ chính là nói chuyện dầu, ông liền lấy dầu ấy mà xoa lên đầu.  Xong ông bái Phật, đứng dậy thản nhiên đi ngủ.  Ngủ quá nửa đêm ông thức giấc dậy nghe có mùi máu tanh tanh, ông liền lấy đèn soi thấy người vợ đã bị đứt cổ chết.  Chẳng biết ai giết?  Ông tức tốc báo cho nhạc gia hay biết.
Nhạc gia có ý nghi ngờ ông là kẻ thủ phạm vì ông vốn tin Phật, thờ Phật, mà vợ ông lại không tin, nhà lại chỉ có hai người, đêm khuya thanh vắng, cửa đóng then cài, không phải ông giết vợ vì tín ngưỡng bất đồng thì còn ai vào đây gây án?  Cho nên nhạc gia phát đơn tố cáo lên huyện quan để nhờ phán quyết.
Quan trên mấy lần thẩm vấn, xét rằng hung thủ chẳng phải kẻ trộm cướp vì của cải trong nhà không mất mát, cũng chẳng phải kẻ oán thù, vì ông buôn gạo đối với lân lý đều hoà thuận tốt đẹp, tức là không có người thứ ba xâm nhập gia cư ông thì kẻ sát nhân chính là ông vậy.  Và thế là quan cầm bút phê xuống bản án trị tội cố sát.  Bỗnh nhiên một bầy lằng xanh bay tới bu vào đầu bút.  Cả quan, cả ông buôn gạo đều ngạc nhiên cho là quái lạ, nhất là ông buôn gạo thấy việc lằng xanh bu đầu bút hiệp với câu kệ thứ tư trong mộng.  Ông buột miệng nói:  “Thương thằng bỗng bút đầu, thật ứng nghiệm rõ ràng.”  Quan đang xua đuổi những con lằng mà chúng vẫn nhao vào bu đầu bút, nghe ông buôn gạo nói thế mới hỏi kỹ lại.  Ông bèn thuật lại đầu đuôi tự sự.
Câu thứ nhất, thứ hai và thứ tư đã rõ ràng sự việc.  Chỉ còn câu thứ ba là “Đẫu cốc tam thăng mễ” là khó hiểu.  Sau một hồi suy nghĩ, quan luận rằng câu này phải thêm một chữ nữa mới đủ nghĩa: “Nhất đẫu cốc tam thăng mễ” nghĩa là “Một đấu lúa ba thưng gạo”.  Nghĩa ẩn là 1 đấu 10 thưng, trừ 3 thưng gạo tức còn 7 thưng trấu.  Bảy trấu là chữ Thất và chữ Khang, vì Thất là 7, Khang là trấu.  Quan đoán rằng hung phạm chẳng phải Thất Khang cũng tên là Khang Thất nên phái nha lại đi điều tra.  Quả nhiên có người tên Khang Thất liền bị gọi tới công đường.
Khang Thất khai rằng ông ta có dan díu với bà bán gạo, đêm đó vào nhà ông bán gạo để giết chồng đoạt vợ.  Đêm đó mò gặp cái đầu có dầu tưởng là đầu đàn bà liền bỏ đi giết đầu không dầu, không ngờ lại giết lầm tình nhân.  Tội trọng đã rõ ràng, nên Khang Thất phải đền tội, còn ông bán gạo được phóng thích.
Ông càng tin sự cảm ứng và linh nghiệm của Bồ tát Quan Thế Âm.
Sở dĩ ông buôn gạo được sự cảm ứng giải trừ tai nạn như thế này là nhờ bình nhật ông hay nhất tâm xưng danh, đến khi cấp nạn xảy tại thân thời Quan Thế Âm trong tự tánh chúng sanh hiện ra cứu chúng sanh trong tâm Quan Thế Âm tức thì được giải thoát.  Nếu hằng ngày chẳng thường niệm tụng gì hết, đến khi gặp tai nạn, tâm trí kinh hãi bối rối, tinh thần mờ ám khó nỗi khởi lên xưng niệm Phật, Bồ tát.
Cho nên hằng ngày chúng ta phải xưng niệm danh hiệu Đức Quan Thế Âm Bồ tát, mỗi khi niệm, sáu căn đều thu nhiếp, nhất tâm yên lặng, tâm niệm khẩu xưng, khẩu xưng cho rõ ràng, tai nghe cho chánh xác thông suốt, ý nghĩ nhớ từng chữ từng câu cho rành rẽ phân minh.  Được vậy tức là tâm khẩu tương ưng, sẽ đến chỗ lợi ích lớn lao vậy.
Giờ đây lại khởi lên một mối quyết nghi, nghi rằng:
Nếu nói Bồ tát Quan Thế Âm là vị Bồ tát đầy đủ lòng Từ Bi, quán sát tiếng kêu khổ của chúng sanh để thị hiện cứu độ, mà chỉ linh ứng thị hiện đến những vị thường hay xưng niệm danh hiệu Ngài, còn những ai ít khi niệm Phật mà gặp tai nạn thời không được sự cảm ứng, như vậy hóa ra Ngài chưa trọn lòng Từ Bi hay sao?
Ở đây chúng ta nên đi sâu tìm hiểu danh hiệu Ngài sẽ thấy rõ.  Quán Thế Âm chẳng tự quán tiếng, quán âm thanh, mà chỉ dùng quán trí để quán tánh nghe liền được giải thoát, đây gọi là phản văn tự tánh, cũng là hồi quang phản chiếu, quày đầu trở soi.
Như vậy Quán Âm mọi người đều đủ, đều có thể làm Bồ tát được.  Tâm lượng nhỏ thấy Quán Âm nhỏ, tâm lượng lớn thấy Quán Âm lớn, cũng như trống chuông đánh lớn kêu lớn, đánh nhỏ kêu nhỏ, chứ Bồ tát tự mình không có chia rẻ lớn nhỏ.
Do sự suy luận này chúng ta biết rõ câu: “hữu cảm hữu ứng, vô cảm bất ứng”.  Câu này nói rõ do lòng thành của người đời tín ngưỡng cầu nguyện Đức Quan Âm một lòng tha thiết không xao lãng, không lơ là, thì cảm đến lòng Từ Bi của Đức Quan Thế Âm.  Đây gọi là “nước trong trăng tỏ, nước đục trăng mờ”, trăng không thiên vị một ai thì lòng Từ Bi của Đức Quan Thế Âm cũng như thế.
Bởi người đời hữu thành hữu cảm, hữu cảm hữu ứng, chính là người đời có lòng chí thành thì sẽ cảm ứng đến tâm niệm Từ Bi của Đức Quan Thế Âm, Đức Quan Âm mới đủ duyên cứu khổ độ nguy.  Nếu thiếu lòng chí thành thì không thể nào cảm ứng đến tấm lòng Từ Bi của Đức Quan Thế Âm.  Do đó mà Đức Quan Thế Âm không đủ duyên để cứu khổ độ nguy cho những chúng sanh lâm tai nạn.  Giống như “nước trong trăng tỏ, nước đục trăng mờ” vậy.
Lòng Từ Bi của Đức Quan Thế Âm bao trùm khắp pháp giới, nên có câu:
            
            


 

Xứ xứ trì trung hữu minh nguyệt
Gia gia môn nội hữu Quán Âm
Ao nào cũng có ánh trăng
Nhà nào cũng có Quan Âm hiện hình


 

 Đó là vì Quán Âm là Quán Âm ở chính ngay trong tâm chúng sanh.  Quán tức là Trí như như, Thế Âm tức là Lý như như.  Sáu căn dính khít sáu trần, căn trần tiếp nhau là tự tánh bị che khuất chẳng thể hiển hiện được.
Quán Thế Âm như trăng mát mẻ trên trời, thường lặng giữa hư không rốt ráo.  Tâm chúng sanh như nước hồ ao.  Chỉ cần tâm nhơ bẩn của chúng sanh được lóng sạch, căn trần nới thoát, thời ánh trăng Bồ tát tự nhiên ứng hiện vào trong, cũng như trăng hiện trong nước vậy, đó là nghĩa cảm ứng đạo giao mầu nhiệm.
Cho nên phàm gặp các tai nạn thời chăm lòng chí mạng niệm Quan Âm, niệm được Nhất Tâm Bất Loạn, tâm thuỷ lóng trong thời tự tánh Quan Thế Âm hiển hiện tự nhiên cứu thoát khỏi ách hiểm.
Đạo lý niệm Quan Thế Âm cứu khổ rất là bình thường giản dị, chẳng có gì kỳ lạ quái gở vì trong tự tâm sẵn đủ mầu nhiệm ấy vậy.
Chúng ta hãy tin rằng Quán Âm có sẵn đủ trong tâm chúng ta, cho nên chúng ta niệm Quán Âm tức là nhớ nghĩ đến tự tánh thanh tịnh vốn sẵn đủ trong tâm chúng ta đó vậy.  Từ đây, mỗi sáng thức dậy, chúng ta chí thành niệm Quan Thế Âm Bồ tát, sống tỉnh giác với bản tâm thanh tịnh thời sẽ an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh, do đây sẽ xa lìa được các khổ nạn.
Chúng ta đã tạo lập lòng tin vững chắc như vậy rồi, nay phải chí thành phát nguyện cho sâu rộng và hành trì cho tinh tấn, thế là chúng ta đã cất bước đi lên con đường Phật Đạo, tất nhiên sẽ đạt đến cứu cánh viên mãn rốt ráo.
Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ tát,
Nam mô Phổ Đà Lưu Ly Thế Giới Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát Ma ha tát
Kỷ niệm sinh hoạt chúng Phổ Hiền, chùa Huê Lâm, đến nay cũng đã trên 20 năm rồi.  Sư Trưởng thường khuyến tấn chúng con phải có những bài thuyết trình nhân những dịp Lễ Vía Phật, Bồ tát.  Chúng con nương ý trong Kinh Luận của những vị́ Tôn Túc, nếu có chỗ khiếm khuyết cúi xin quý vị Thạc Đức hoan hỷ dạy bảo.


 

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo


 

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ tát

—o0o—
Trình bày: Phổ Trí
Cập nhật: 01-02-2007

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ