Xã hội tiêu thụ và khoái lạc

Không có khoái lạc nào kéo dài lâu, cảm giác khoái lạc chỉ “sống” vài phút tích tắc của cái đồng hồ; nhưng khoái lạc lại dễ làm cho người ta “nghiện”, cứ thích lặp đi lặp lại việc đi tìm khoái lạc. Khoái lạc vật chất như: tình, tiền đi kèm với rượu chè, ma túy…
Trong suốt những năm dài đại chiến thế giới lần thứ hai kể từ 1939 trở đi, mấy ai nghĩ đến và đi tìm khoái lạc? Xã hội tiêu thụ cũng chưa xuất hiện khắp nơi, con người sống với một ít vật chất có được của mình. Ở châu Âu, rất nhiều nhà cửa dân chúng không có hệ thống sưởi ấm mùa đông, nước thì kéo từ giếng lên, không có nhà tắm, nhà cầu chỉ là một cái hố đào trong góc vườn, đầy ruồi nhặng. Quần áo thì mỗi người chỉ có đôi ba bộ. Không có bít – tất, họ quấn chân cho ấm bằng những dải vải cắt ra từ quần áo cũ. Không có giày, họ đẽo guốc gỗ để đi, suốt đời người chỉ cần có vài đôi guốc gỗ. Chồng tôi thuộc thế hệ những năm 40, sinh sau chiến tranh, còn có nhiều ấn tượng thời hậu chiến, kể cho tôi nghe như thế.
Con người thời hậu chiến lo thứ nhất là xây lại nhà cửa bị đổ nát, thiêu rụi trong bom đạn; lo thứ hai là tiếp tục lao động kiếm sống; lo thứ ba là cáng đáng, chăm sóc những người còn sống sót nhưng tàn phế, thương tật rất nặng nề. Những số tiền bồi thường chiến tranh ít ỏi, không đủ đền bù những mất mát về vật chất, thì nói chi đến sự đền bù cho nhân mạng và tình cảm. Còn sinh lý thì chỉ có sau khi đã kết hôn với nhau. Trên nước Pháp, khoái lạc thời hậu chiến họa may chỉ có ở thành phố Paris.
Hai mươi năm sau đại chiến thứ hai kết thúc, chủ nghĩa khoái lạc của xã hội tiêu thụ tiềm ẩn trong các phong trào trẻ, vừa chống chiến tranh vừa tìm khoái lạc trong tình dục, ma túy, rượu nặng len lỏi vào các xã hội, phát triển rộng rãi. Các phong trào đòi tự do cá nhân nổi lên đa dạng. Tôi, thuộc thế hệ 5x, đã biết thêm nhiều điều mới khác so với thế hệ 4x của chồng tôi, còn bị cho là “bảo thủ”, “đạo đức trưởng giả”. Đạo đức xã hội Pháp thời hậu chiến không khác đạo đức xã hội Việt Nam chi mấy. Cũng kết hôn do gia đình dàn xếp, lo lắng môn đăng hộ đối để bảo đảm kinh tế gia đình, tình yêu đến sau, sinh lý đến sau, kín đáo. Cũng ngoan đạo, tinh thần liên kết gia đình chặt chẽ, cũng hai ba thế hệ còn sống chung với nhau dưới một mái nhà.
Vị anh hùng của xã hội Pháp thời hậu chiến là Charles de Gaulle. Ở các vùng quê tiền đồn chiến lũy bị quân Đức Quốc Xã cướp bóc của cải, tàn sát giết hại nhiều, nơi có nhiều người, cả gia đình, cả làng theo kháng chiến Pháp, theo lực lượng France Libre của tướng de Gaulle. Bởi thế, chồng tôi tuy không lớn hơn tôi bao tuổi, nhưng lại thuộc một thế hệ khác hẳn thế hệ của tôi.
Tôi đặt chân lên châu Âu khi thế giới đang bắt đầu bị thay đổi bởi nhiều luồng tư tưởng của “cá nhân chủ nghĩa”. Ơ! được tự do kết hôn vì tình là đúng chứ! Phải chống lại những cuộc hôn nhân xếp đặt. Đó là một trong những tư tưởng hàng đầu trong giới trẻ thế hệ tôi. Phong trào đòi quyền bình đẳng phụ nữ(1), một khái niệm đã có từ thế kỷ XVII, nổi lên và bị dập tắt nhiều lần, nhưng làn sóng đấu tranh mới cho sự việc bình đẳng nam nữ đã có nhiều thay đổi từ giữa thập niên 1960.
Cho đến thời điểm ấy, ngay tại châu Âu, lượng nữ sinh viên ở cấp bậc đại học xuất thân từ tầng lớp trung lưu hay nghèo, hoặc đến từ các nước còn chậm tiến, đang phát triển, là rất ít. Thiếu nữ nào có diễm phúc cắp sách vào đại học đều được “ngưỡng mộ”. Phụ nữ đã kết hôn phải có sự cho phép của chồng mới được mở tài khoản ngân hàng, hoặc cho phép đi làm việc kiếm tiền; phá thai bị nghiêm cấm và phạt hình sự đến 3 năm tù ở, không có thuốc ngừa thai, phụ nữ phải luôn luôn thực hiện bổn phận tình dục với chồng; phụ nữ không có quyền ứng cử và bầu cử, mức lương của phụ nữ luôn luôn thấp hơn mức lương của nam giới, trong hành chánh thì chỉ có người chồng là đương nhiên có quyền “chủ gia đình”; tình trạng từ ly thân đến ly hôn, ly dị, hoặc có quan hệ tình dục không kết hôn, đều bị xã hội lên án gắt gao, khinh bỉ.
Trong nhiều thay đổi thuận lợi cho vị trí và đời sống phụ nữ trong xã hội, có thể nói hai sự kiện ghi dấu ấn nổi bật là quyền được ứng cử và bầu cử của phụ nữ, và đạo luật cho phép phá thai vì lý do xã hội trong thập niên 1970 trở đi(2).
Phụ nữ trí thức, nhờ vào sự kiên quyết, bền bỉ, thông minh của mình, đã dần dần chứng tỏ tầm mức trí tuệ và khả năng chuyên môn, chiếm lĩnh ngày càng nhiều các băng ghế đại học cũng như các chức vị cao cấp, mấu chốt trong xã hội.
Cùng thời gian, làn sóng hippie xuất phát từ Hoa Kỳ kể từ đầu thập niên 1960 dần dà xâm nhập sang các nước châu Âu. Làn sóng hippie này, nhờ được chuyển tải bằng âm nhạc, với những danh ca hiện nay vẫn còn nổi tiếng trên thế giới như Bob Dylan, Joan Baez, Joe Cocker, Jimmy Hendrix, The Who, Jefferson Airplane, Janis Joplin, Jim Morrison…, nhất là sự kiện cao trào “festival de Woodstock” vào tháng 8 năm 1969, đã lôi cuốn mãnh liệt giới trẻ.
Hình ảnh những hippie tóc dài, râu dài, ăn mặc màu mè, diêm dúa, dị hợm, hoa cài trên tóc, đi chân đất… biểu tình nhiều nơi chống chiến tranh Mỹ tại Việt Nam, chống nếp sống đạo đức trưởng giả, gây được nhiều thiện cảm của giới trẻ cùng thời, dòng nhạc của họ được cả một thế hệ ưa thích.
Nhưng, mặt trái của phong trào hippie là sự phát triển “cá nhân chủ nghĩa” lên đến tột độ, phong cách sống “bất cần đời, bất cần xã hội” có nghĩa trên thực tế là sự thực hiện tự do luyến ái bừa bãi, nghiện ma túy nặng, từ cần sa cho đến LSD, thuốc phiện, khoái lạc tình dục với 36 kiểu Kamasutra và khoái lạc đi mây về gió là trên hết. Họ chống tiêu thụ vật chất, nhưng thực ra họ tiêu thụ khoái lạc.
Tại châu Âu chủ nghĩa khoái lạc xuất hiện rõ nét trong phong trào sinh viên’68 (năm 68), đi kèm với triết lý hiện sinh chủ nghĩa của các tác giả như Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Françoise Sagan…, và chống sự leo thang chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam – một phong trào đã làm cho tướng de Gaulle phải lúng túng, lo lắng.
Dạo ấy, đám sinh viên Việt Nam thuộc thế hệ 5x, mới rời sự bảo bọc của gia đình cha mẹ sang châu Âu, trong đó có tôi, rất bỡ ngỡ, như chạm phải một dòng điện mạnh. Con gái như tôi thời ấy, còn là con gái nhà lành, nói rằng “biết yêu” thì cũng chỉ mới dám nắm tay nhau, nhận một cái hôn nhẹ lên tóc, lên má. Con trai như các bạn học cùng thời, đều là các công tử con nhà giàu, quyền thế, cũng còn “trong trắng” cả. Thế nên, đứng trước một làn sóng của tuổi trẻ xã hội châu Âu nổi lên mãnh liệt, đòi tự do cá nhân, đòi tự do sinh lý, đòi tự do đồng tính luyến ái, phá hủy hệ thống đạo đức hiện hữu khi ấy bị cho là bảo thủ, trưởng giả, đạo đức giả là hôn nhân, gia đình và con cái, khiến chúng tôi phải bỡ ngỡ.
Trong kỷ niệm riêng của tôi, thường làm cho tôi trố mắt ra nhìn khi ấy, có hình ảnh một người anh, thuộc thế hệ sinh viên Việt Nam sang du học bên Pháp trước tôi, tiến sĩ cấp ba toán học, học rất giỏi, lương rất cao, khi đi làm về nhà thì thay bộ quần áo văn phòng, mặc blue jean, T-shirt đen, quấn khăn quàng ngang đầu như Che Guevara, tu rượu whisky ừng ực từ trong chai, lắc lư nhịp nhàng khi nghe nhạc “đen” của Ike Turner/Tina Turner… Hay, có hình ảnh một người anh khác là bác sĩ, bị một cô đầm (y tá trong bệnh viện nơi anh làm việc) đã mang thai có con với anh mà không cưới hỏi đến tận nhà anh đập phá lục lọi, điên tiết ném cái máy ảnh rất đắt tiền qua khung kính cửa sổ, khung kính và máy ảnh đều bị vỡ nát, làm cho anh ấy bị cô bạn người Việt từ hôn, không cưới nữa. Hay, có hình ảnh của những người bạn học nam cuối tuần thì họp nhau lại, thi nhau uống rượu mạnh cả chai, nhảy đầm và đánh cờ bạc ăn tiền khá lớn, cũng như những người bạn học nữ mới quen chỉ khoe nhau quần áo, giày dép, nữ trang đúng mốt, và khoe cả người yêu. Hay, có hình ảnh đưa tiễn quan tài của vài bạn trẻ về lại Việt Nam, con nhà giàu, mua xe hơi mui trần rồi chết vì lái xe với tốc độ quá nhanh theo kiểu James Dean, một thần tượng điện ảnh Mỹ đồng tính luyến ái (bisexuell) thời đó.
Còn về chính trị? Thế hệ tôi thời ấy ở nước ngoài thật sự là bỡ ngỡ trước sự phải lựa chọn “mèo trắng hay mèo đen”, “không theo là chống, không chống là theo”, mà các ấn tượng mạnh nhất trên tin tức thế giới thời ấy là B-52 ném bom miền Bắc, cuộc thảm sát ở Mỹ Lai, tấm ảnh của cô bé Kim Phúc bị trúng bom na pan, chiến trường Khe Sanh… và phát súng hành quyết của tướng Nguyễn Ngọc Loan…
Phong trào Mai’68 (Tháng 5 năm 1968) tại Pháp mở đầu bằng một loạt hành động từ đầu năm 1967 để phản đối việc phân chia hai khu vực nhà ở cho nữ sinh viên và nam sinh viên tại đại học Nanterre Paris. Để biểu dương quyết tâm chống đối, họ kéo nhau làm tình tập thể và công khai trong hành lang nhà trọ. Đối với họ, khái niệm “cánh tả”, “người thuộc phe tả” là đồng nghĩa với một sự tự do cá nhân tuyệt đối, một sự “rộng lượng, khoan dung” tuyệt đối trong tình dục, họ đòi thực hiện cuộc cách mạng tình dục (la révolution sexuelle) và một sự “phát triển cá nhân” (le développement personnel).
Khẩu hiệu của họ “C’est interdit d’interdire!” (Cấm không được cấm!) hàm chứa hai ý nghĩa: chính trị để chống lại cái khung đạo đức xã hội đang có, cá nhân để đạt mức tự do khoái lạc tuyệt đối trong tình trường. Rồi đưa yêu sách đòi thuốc ngừa thai và tự do tình dục kể từ 17 tuổi(3).
Về chính trị, họ tự cho mình là phe tả, đọc sách đỏ của Mao, mua cuốn sách đỏ bỏ túi, và tất nhiên, chống chiến tranh Việt Nam của Mỹ.
Phong trào Mai’68, được sự ủng hộ của François Mitterrand (đảng Xã hội Pháp) và Waldeck Rochet (đảng Cộng sản Pháp), SFIO (Section Française de l’Internationale Ouvrière – Phân bộ Pháp của lao động quốc tế), các công đoàn cánh tả như CGT, tự xưng là cuộc “Cách mạng” (la Révolution), tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn, bãi công tại Paris nhằm mục đích lật đổ chính quyền của tướng de Gaulle, mà cao điểm là cuộc biểu tình ngày 29-5-1968 có khoảng nửa triệu người gồm sinh viên, công nhân… tham dự.
Địa vị của Tổng thống Charles de Gaulle bị lung lay khá mạnh trong tháng 5 sôi sục đó, vì Thủ tướng Georges Pompidou cũng đang lăm le muốn lên nắm quyền tổng thống. Các chính trị gia thuộc cánh hữu như Giscard d’Estaing và Jacques Chirac cũng đang sốt ruột chờ thời cơ cho chính cá nhân mình. Tướng de Gaulle đứng giữa hai gọng kìm từ tả sang hữu.
Nhưng tướng de Gaulle đã bí mật gặp tướng Jacques Massu của binh đoàn 2ème DB vào ngày 29-5-1968 ở nơi đóng quân của Massu bên Đức, Baden-Baden, để dự trù biến cố. Chồng tôi khi ấy đóng quân ở Đức, anh ấy kể, quân đội và 450 chiến xa, súng ống, đã sẵn sàng để tiến về Paris khi có lệnh. Sau bài diễn văn trên đài truyền thanh ngày 30-5-1968, tướng de Gaulle tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội mới vào ngày 23-6, hàng trăm ngàn người dân Paris ùa ra đường biểu tình ủng hộ tướng de Gaulle. Tổng thống Charles de Gaulle thắng lớn, từ 358 ghế lên thành 487 ghế trong cuộc bầu cử đó.
Đến nay, thế hệ ’68, những người 20 tuổi năm ấy, bị phân hóa, phong trào hippies dần dần tàn rụi trong thập niên 1980-1990. Thành phần ’68 “thất bại” thì trung thành với lối sống “bất chấp, bất cần” bên lề xã hội của mình, thành phần ’68 “thành đạt” thì hòa hợp, hội nhập vào xã hội tiêu thụ với những cảm giác “khoái lạc” có nhà, có xe, có vợ, có nhân tình đầy rẫy, có ma túy, có rượu mạnh không thiếu. Họ thay đôi giày thể thao bằng đôi giày da đánh bóng lưỡng, thay cái quần jean lủng lỗ chỗ bằng bộ com lê đen, thắt cà vạt, cắt tóc, cạo râu, bôi nước hoa… trưởng giả như họ đã chống. Các phương tiện vật chất thời nay ngày càng hào nhoáng hơn, xa xỉ hơn gấp trăm, gấp ngàn lần.
Từ quan niệm “chống tiêu thụ” đầy mâu thuẫn thời hippie, con người bị tác động của quảng cáo, của các phương thức tiếp thị marketing trở thành con người tiêu thụ, đơn giản và toàn diện. Tôi còn nhớ, những năm tôi đang học ngành kinh tế ở đại học thì môn chuyên khoa “marketing” là còn mới mẻ, thầy mới đi tu nghiệp bên Mỹ về. Dạo ấy, tôi vào thi vấn đáp bị thầy hỏi ngay: cái khác biệt giữa quản trị, tổ chức và marketing là gì?
Con người gì cũng mua, gì cũng tích lũy thêm, mua không ngừng nghỉ, không cần cũng mua để đó. Cứ xem hiện nay nhiều người ở Việt Nam khoe tủ có hàng trăm đôi giày, có hàng trăm bộ quần áo, có hàng chục cái va li xếp đống… mà buồn cười. Quý bà thì phải sắm nhẫn kim cương, sắc tay hàng hiệu… Người giàu trên thế giới thì khoe lâu đài, vườn tược, rừng cá nhân để săn bắn, máy bay riêng, du thuyền riêng, tài khoản mật ở Thụy Sĩ, Lichtenstein… và “sưu tập” phụ nữ như cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss- Kahn chẳng hạn. Cái TÔI (le MOI) bị định nghĩa và trở thành cái tôi CÓ, cái tôi chiếm hữu; cái Tôi nhỏ lại, cái Có lớn lên.
Thế hệ ’68 xuống đường khi xưa thì ngày nay là những cụ ông, cụ bà 60, 70 tuổi…, dù có đắng cay thì cuộc đời coi như là đã qua rồi, kéo lê chuỗi ngày còn lại với số lương hưu ít ỏi.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 40 năm nước chảy qua cầu, xã hội châu Âu, cứ xuống chạm đáy rồi lại bật lên, đang có một khuynh hướng mới.
Thế hệ trẻ ở châu Âu hiện nay, lứa tuổi 20, 30 (sinh 1980, 1990), đang có một ao ước khác: một cuộc sống an bình, có công ăn việc làm, vật chất đầy đủ sung túc, có vợ có chồng có con, gia đình tình cảm đầy đủ. Họ cũng đặt câu hỏi về xã hội tiêu thụ, nhưng những cái đòi hỏi khoái lạc kiểu “cách mạng tình dục”, kết hôn đồng tính luyến ái, chuyển đổi giới tính, không là yêu sách hàng đầu của họ nữa. Kỹ nghệ dâm dục (Pornographie), bắt đầu với việc sản xuất những bộ phim X rất sơ khai từ thập niên 1970, đã phát triển rộng rãi đến mức nhàm chán, không có gì mới cả, cộng thêm với sự xuất hiện của những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cũng không còn là một yêu sách cần thiết cho chủ nghĩa cá nhân hiện sinh nữa. Thấy những cặp vợ chồng trẻ có hai, ba đứa con nhỏ, tôi vừa phục sự can đảm của họ, vừa mừng là, có những giá trị xã hội và truyền thống tinh thần lành mạnh, quý báu mà cái “xã hội tiêu thụ và khoái lạc” không thể triệt tiêu được nổi. Vì thế, mới có Tương Lai, vì thế mới có Hy Vọng.
(1) Tiếng Việt còn có khái niệm là bình đẳng nam nữ, nữ quyền, bình quyền.
(2) Phá thai vì lý do sức khỏe thì được các hội đồng bác sĩ phê chuẩn và chấp nhận thực hiện. Các đạo luật cho phép phá thai vì lý do xã hội, không vì lý do sức khỏe, được sửa đổi nhiều lần trong nhiều thời kỳ chính trị. Các quốc gia cho phép phá thai hợp pháp vì lý do xã hội kể từ những năm như sau: Đức: 1990, Bỉ: 1990, Hà Lan: 1981, Anh: 1967, Áo: 1975, Thụy Sĩ: 2002, Pháp: 1975, Ý: 1978, Bồ Đào Nha: 2007, Tây Ban Nha: 2010, Hoa Kỳ: 1973, Canada: 1969… Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số quốc gia cấm phá thai nghiêm ngặt.
(3) Theo luật từ năm 1792, tuổi trưởng thành tại Pháp là 21 tuổi. Đến ngày 5-7-1974 thì được giảm xuống còn là 18 tuổi.

Nước Pháp cho phép phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai từ năm 1967.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ