Sự phi lý và những cùng cực của cuộc đời

Socrates đã nói: “Một cuộc đời không suy xét thì không đáng sống”
Cuộc đời của mỗi người chúng ta có ý nghĩa gì đó hay không? Hay đó chỉ là sự tồn tại do bắt buộc?
Shakespeare viết: “Cuộc đời chẳng qua là một bóng mát bên đường, một diễn viên tồi bước khập khễnh đầy sầu thảm suốt vai diễn trên sân khấu, rồi sau đó không còn được nghe nói đến gì nữa, vở diễn là một câu chuyện được kể lại bởi thằng ngốc đầy ồn ào và phẫn nộ nhưng chẳng mang lại một ý nghĩa nào cả”
Chúng ta là những con cá đang bị nhốt trong thác nước, là con chim bị nhốt trong chiếc lồng, là đống xương tàn đang chờ ngày mục nát, là sinh vật đang bị giết dần bởi thời gian.
Một sự tồn tại không hề có ý nghĩa có đáng để tồn tại? Chính vì thế giới chẳng ban cho ta một ý nghĩa nên ta phải tự tìm lấy nó, phải tìm ra một ý nghĩa nào đó, phải tìm ra một lí do nào đó cho cuộc đời.
Jean Paul Sartre nói rằng khi một nhà hiện sinh viết về một kẻ hèn nhát, thì anh ta nói rằng kẻ hèn nhát đó phải chịu trách nhiệm cho sự hèn nhát của mình. Anh ta như thế không phải vì anh ta có trái tim hay cái phổi hay bộ não hèn nhát, không phải vì cấu tạo sinh lí của anh ta, mà anh ta hèn nhát bởi vì anh ta tự biến mình thành kẻ hèn nhát thông qua những hành vi của mình.
Triết học hiện sinh vô thần nói rằng, kẻ hèn nhát làm cho mình trở thành hèn nhát, vị anh hùng làm cho mình trở thành anh hùng, và luôn luôn tồn tại khả năng kẻ hèn nhát không còn hèn nhát nữa, vị anh hùng không còn là anh hùng nữa. Thuyết hiện sinh luôn định nghĩa con người qua hành động, cho nên không có học thuyết Triết học nào lạc quan hơn nó, vì số phận của mỗi con người luôn nằm trong chính bản thân họ, nó bảo với anh ta rằng hi vọng duy nhất của anh ta chính là hành động, và hành động là cái duy nhất biến anh ta thành những gì mà anh ta mong muốn
Vậy ý nghĩa cuộc đời này là gì? Tại sao tôi phải sống trên đời?… Ta luôn tự hỏi lấy mình và câu hỏi này đã bóp chết nhiều nhà triết học khi họ cố gắng tìm ra lời giải đáp. Thế ta có nên bỏ cuộc, có nên tự an ủi với lòng mình rằng: Anh không hiểu được cuộc đời này đâu, đừng nghĩ đến nó, hãy lo mà sống đi… Thế nhưng ta lại muốn gào thét lên trong tuyệt vọng, sống đi… nhưng sống để làm gì? Sống vì cái gì? Sống cho cái gì?… Đâu đó trong bóng tối ẩn hiện một con người cô đơn lẻ lơi bị che lấp bởi những câu hỏi về cuộc đời…
Lev Nikolayevich Tolstoy khi còn thiếu niên ông ta đã tỏ ra khác thường, ông muốn đi tìm một triết lí, một mục đích cho cuộc đời. Tolstoy hầu như đã thử hết mọi loại chủ nghĩa, từ khổ hạnh đày đoạ tấm thân, chịu đói chịu rét, cho tới chủ nghĩa khoái lạc sống trác tác bất cần đời, sau đó lại theo thuyết linh hồn hư vô, suốt ngày ngồi phân tích tâm hồn và cầu nguyện Thượng Đế. Nhưng càng phân tích ông càng chán nản, ông ta mất hết niềm tin vào bản thân mình, ông ta bị lạc lỏng bơ vơ. Sau khi chung chạ với giới quí tộc thượng lưu thì Tolstoy lại cảm thấy kinh tởm và chán ghét tầng lớp này, thế là ông ta quay về làm ruộng để nhờ thiên nhiên gột bỏ những thứ dơ bẩn trong mình, ông làm việc và tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân lao động, ông muốn đỡ đần và tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của họ, thế nhưng sau đó ông ta lại thất vọng khi thấy họ hoặc quá ngu dốt, hoặc quá an phận, chỉ muốn cam tâm sống lay lắt từ ngày này sang ngày khác. Lúc này Tolstoy lại bị khủng hoảng, ông tự hỏi mình rằng có đi lạc đường hay không và nên sống như thế nào?
Và cho đến cuối cuộc đời Tolstoy đã gần như muốn chống lại xã hội, vì đời ông đã không còn lối thoát: “Tôi ráng khuyếch trương tài sản của tôi để làm gì? Rồi tôi chết đi tôi mang theo được cái gì? Tôi xuất bản Chiến Tranh và Hoà Bình để mang lại danh vọng nhưng sau đó thì sao? Tôi nuôi con tôi để sau đó thế nào? Để rồi chúng cũng chết như tôi, và chết là chấm hết, có còn chăng là những con dòi lúc nhúc trong một đống xương tàn… Tôi đang sống trong một thế giới lừa dối lẫn nhau… gia đình mình, vợ con mình, họ cũng là những con người như mình, họ cũng đang sống trong một cảnh ngộ như mình, hoặc là họ phải sống trong sự dối trá, hoặc là họ phải thấy ghê sợ sự dối trá này và cách xa nó… Tôi lâm vào tình trạng khủng khiếp, tôi biết rằng tôi đã không còn tìm thấy được điều gì trên con đường nhận thức lí tính ngoài việc phủ nhận cuộc đời này. Theo nhận thức của tôi thì đời sống con người là một cái xấu và người ta ai cũng biết lấy điều này, vấn đề là người ta có chịu chấm dứt lấy tình trạng đó hay không? Thế nhưng người ta vẫn phải cứ sống và tiếp tục sống, còn bản thân tôi vẫn đang sống mặc dù từ rất lâu rồi tôi đã biết rằng đời sống này là vô nghĩa…”
Có thật sự là ta nên đi theo con đường của Lev Nikolayevich Tolstoy? Có thật sự đời sống này là vô nghĩa? Ta dằn vặt bản thân, ta hoài nghi tất cả… thế nhưng đâu đó vẫn còn chút ánh sáng cho một câu hỏi đầy tối tăm
Arthur Schopenhauer – nhà triết học bi quan của thế kỷ 19 cũng có một cái nhìn tương tự, theo ông ta: “Mọi vật đều là những con rối được chuyển động nhờ bộ máy bên trong… con người có vẻ được lôi kéo từ phía trước nhưng thực tế thì nó lại bị đẩy từ phía sau, không phải sự sống lôi kéo nó mà là sự tất yếu đẩy nó đi tới”. Đối với Schopenhauer thì mỗi một cá nhân không có một giá trị gì đối với tự nhiên, vì “thiên nhiên không chăm lo cho một cá nhân mà nó chăm lo cho cả loài”.
Do vậy “Một đời sống hạnh phúc là điều không bao giờ có được, điều duy nhất mà một con người có thể làm là đời sống hoành tráng. Kẻ sống đời sống hoành tráng luôn chiến đấu bằng mọi cách, trong mọi hoàn cảnh sống để chống lại những thứ khó khăn vô tận vì lợi ích chung của mọi người. và tới lúc nằm xuống thì chính y lại chẳng được lợi ích hay đền bù nào cả. Lúc lâm chung con người anh hùng đó sẽ hoá đá như ông hoàng Re Corvo của Gozzi, nhưng với một tư thế cao quý và hào hiệp. Kỷ niệm về con người chân thực sẽ còn mãi, và sẽ được xưng tụng như một vị anh hùng, thế nhưng dục vọng của y, sự hoành tráng của y cũng sẽ bị tan rã bởi sự bội bạc của cuộc đời, và rồi cuối cùng sẽ tắt ngấm nơi niết bàn”.
Đời sống của con người do đó không phải là một ân huệ để vui hưởng, mà là nhiệm vụ bổn phận nặng nề phải thực hiện. Hàng triệu người kết hợp tạo thành đảng phái, quốc gia để nỗ lực tìm kiếm các lợi ích chung, nhưng cũng hàng ngàn người đã ngã gục xuống như những vật hi sinh vô nghĩa cho các lợi ích đó.
“Khi thì những ảo vọng vô nghĩa, lúc thì tranh chấp chính trị, chúng làm cho các quốc qua gây chiến chống lại lẫn nhau… Trong hoà bình, kỹ nghệ và thương mại phát triển, các phát minh tạo ra những phép màu, đại dương đầy tàu bè qua lại, các đồ xa xỉ được thu gom từ khắp chân trời góc biển”. Nhưng Schopenhauer tự hỏi: “Mục đích của tất cả mọi sự cố gắng này là gì?”, câu trả lời của ông ta là: “Để kéo dài sự sống phù phu và đau khổ của các cá nhân trong một thời gian ngắn ngủi”. Schopenhauer nói cuộc đời là một thoả thuận trao đổi xấu, là sự bất cân đối giữa một mặt là nhọc nhằn của con người, và mặt kia là phần thưởng, có nghĩa cuộc đời là sự thể hiện của chúng ta để “tìm kiếm một cái gì đó vô giá trị”. Chẳng có gì để tìm kiếm ngoài “sự thoả mãn cơn đói khát và bản năng tình dục hay một chút thoả mái chóng qua”.
Kết luận của Schopenhauer: “Cuộc đời là một cuộc buôn bán, mà tiền lời không bù đắp đủ các chi phí. Không thể có hạnh phúc thực sự vì hạnh phúc chỉ là sự chấm dứt tạm thời những đau khổ của con người, đau khổ phát sinh do ham muốn và là biểu hiện của sự thiếu thốn hay các nhu cầu của con người mà không bao giờ có thể lấp đầy được. Do vậy đời người là một nỗ lực không có mục tiêu hay mục đích gì cả… đời sống của một cá nhân… thực sự luôn luôn là một bi kịch, mà nếu đi sâu vào từng chi tiết thì nó có đặc tính của một hài kịch”
…………….
Đang chìm vào dòng hồi tưởng, thế nhưng những tiếng động ồn ào xung quanh ta do cơn mưa đã ngừng, lập tức kéo ta về với thực tại… Ta tự mỉm cười với lòng mình… sống để làm gì? sống cho cái gì?… những câu hỏi này có thể giải quyết được hay không? Một tia sáng của lí trí xuyên qua màn đêm của sự ngu dốt đã…

SỐNG ĐỂ LÀM GÌ?
Albert Camus cũng như nhiều nhà văn hiện sinh khác đã bắt đầu thể hiện nỗi lo sợ về thân phận con người trước bao nhiêu biến động và tai ương của xã hội. Tiếp thu triết học của Soren Kierkegaard, Camus đề cao bề sâu cái tôi và thâm nhập thế giới tâm linh bằng trực giác, ông học tập tinh thần “thờ phụng cái tôi” của các nhà triết học hiện sinh đương thời. Tuy đề cao trực giác nhưng Camus không hoàn toàn phủ nhận tư duy lí tính, nhờ lí tính mà Camus mới nhận ra thế giới này, cuộc đời này là phi lí, cái phi lí ấy không phải là lời mời gọi đi vào chủ nghĩa hư vô, mà là lời thúc giục đi tìm ra ý nghĩa cuộc đời, và đảm nhận lấy trách nhiệm ở đời.
Cuộc đời đã phi lí thì con người phải tìm cách chiến thắng nó bằng cách sống hết mình trong sự cảm thụ cái phi lí. Cái phi lí diễn ra giữa bao nhiêu sự việc vây bủa lấy con người, cái phi lí lộ nguyên hình qua sự xung đột giữa cái dơ dáy trong cuộc sống và ước mơ được trong sạch bắt nguồn từ thuở ấu thơ. Cần can đảm sẵn sàng nhận ra mọi thứ cùng cực và xấu xa của đời sống, nhưng nên khước từ mọi hi vọng, vì hi vọng chỉ là một  ảo ảnh như lời Sartre: “Hi vọng luôn làm ta nhức nhối”
Camus viết: “Chính ở trong thế giới này mà tôi đáp lại cái phi lí bằng sự nỗi loạn của tôi, tự do của tôi và sự say mê của tôi. Chỉ bằng hoạt động của lương tâm, mà tôi biến đổi cái gì đó mời mọc đến cái chết thành qui tắc sống và tôi khước từ sự tự vẫn”. Theo quan niệm của Camus, sự nổi loạn có mục đích là chống lại sự phi lí, là sự nổi loạn của cá nhân có tính chất siêu hình và vô nguyên tắc, đó là sự thách thức của con người trước mọi cái phi lí trong đời. Tự do có nghĩa là “Tôi chỉ là tôi”, tôi không chấp nhận một  cái gì có sẵn, không chấp nhận một  lí thuyết, một  đường lối giải thích nào…
Eugene Ionesco-một trong 3 nhà sáng lập nên kịch phi lí đã mô tả rất chân thực về cái phi lí của cuộc đời, và cái phi lí mà ông ta chọn là cái chết. Cái chết đối với Ionesco không đơn thuần chỉ là sự tắt thở về mặt sinh học, mà đó là sự tắt thở về mọi mặt, con người có thể chết ở mọi khía cạnh, mọi trường hợp, mọi lứa tuổi và không cần có lí do. Ionesco viết: “Chẳng có gì là tàn bạo. Tất cả đều tàn bạo. Chẳng có gì là buồn cười. Tất cả đều bi đát. Chẳng có gì là bi đát. Tất cả đều buồn cười. Tất cả đều thực. Tất cả đều không thực. Có thể hiểu nỗi chăng? Không thể hiểu nỗi. Tất cả đều nặng. Tất cả đều nhẹ”. Đoạn văn này bị loạn thần kinh chăng? Đối với Ionesco mọi thứ đều loạn thần kinh, vì hầu hết tác phẩm của ông ta nhân vật đều chỉ là cái máy, khi họ sống mà không có một lí do, sống chỉ vì nghĩa vụ. Trong cuộc trò chuyện với Claude Bonnefoy, Ionesco tâm sự: ” Đôi khi tôi gọi là phi lí điều mà tôi không hiểu… Tôi cũng gọi là phi lí khi con người lang thang không mục đích, con người bị chặt đứt bởi mọi gốc rễ cốt yếu, siêu nghiệm của nó… Tất cả những cái đó đều là sự thể nghiệm của cái phi lí siêu hình”
Theo Ionesco tất cả mọi người đều là nạn nhân của cái phi lí, nó không chừa một  ai, chỉ có điều chúng ta có nhận ra hay không. Trong tác phẩm Kẻ Cô Đơn của ông có một  nhân vật tự kể chuyện: “Ở tuổi 35, đã đến lúc tôi nên rút chân ra khỏi cuộc đời bon chen này, tôi đã chán ngấy công việc, tôi xin thôi việc và chia tay ông chủ cùng với bạn đồng nghiệp, rồi dửng dưng đi thuê một căn phòng để sống một mình, không cho ai biết địa chỉ, chẳng tiếp xúc với ai ngoài bà giúp việc… Tôi đạt tới một trạng thái dửng dưng về mặt tinh thần… Họ không còn là đồng bào của tôi nữa, tôi cố gắng chẳng hiểu gì khi nghe những lời họ nói ở tiệm ăn… Có lúc lòng gắn bó với cuộc đời trỗi dậy, tôi lắp điện thoại để trò chuyện với bạn bè, chấp nhận lời đề nghị sống chung với cô hầu bàn để chữa nổi cô đơn, tôi nhớ đến kỉ niệm êm đẹp của thời thơ ấu, đã có một thời… đã có một thời. Có đúng là tôi còn ràng buộc với một thời nào đó hay không? Đúng, đúng như thế, điều này làm cho tôi cảm thấy vui vui… Những chút ánh sáng bừng lên rồi cũng chợt tắt, tôi ngày càng dấn thân vào cuộc sống cô đơn… Cuộc sống của tôi lúc này như thực như ảo, không gian bị xoá mờ… Cuối cùng tất cả đều biến mất, chỉ còn lại một xa mạc vô biên, căn phòng của tôi dường như treo lơ lửng im lìm, một  dấu chấm trong khoảng không vô tận”.
Kẻ cô đơn trong tác phẩm này không phải cô đơn về nghĩa đen, mà đó là cô đơn về mặt triết học, cô đơn vì cảm thấy đời này không có gì để bám níu, “Vũ trụ đối với tôi dường như là một  cái chuồng lớn, hay đúng hơn là một  nhà tù lớn, bầu trời, chân trời là những bức tường”. Điểm toát lên ở Ionesco không phải là cái cô đơn, cái đau khổ khi ta phải sống, mà đó là cái đau khổ bế tắc cho một cuộc đời không ý nghĩa, cái đau khổ khi phải sống cuộc đời không lí do, cái đau khổ khi phải tồn tại mà không có mục đích-đây chính là cái chết mà Ionesco đã dùng ngòi bút của mình thể hiện-Con người đã chết khi mà họ sống không có lí do
Thế còn bản thân ta, ta tự hỏi mình: Ta sống để làm gì?… Ta tự mỉm cười và nhớ lại những ngày tháng lang thang không mục đích… Ta nhớ đến Roquentin trong tác phẩm Buồn Nôn của Satre… Ta nhớ đến thế giới của sự dư thừa về tồn tại, những sự vật hiện hữu một  cách dày đặc lầm lì và không có lí do. Ta nhớ đến những thứ phi lí trong cuộc đời, và đâu đó ta còn nhớ “Mọi sự vật đều phi lí: đây không phải là tiếng kêu phẫn uất về cuộc đời mà là một  nỗi cay đắng âm thầm phát sinh từ trực giác về sự hiện hữu của sự vật. Sống cho tận cùng những nỗi cay đắng ấy, con người lại tìm thấy con đường giải phóng cho riêng mình: đảm nhận lấy trách nhiệm để được tự do thể hiện vận mệnh của mình…”
Ta còn nhớ đến nhiều thứ lắm, nhớ đến hình bóng của một  kẻ cô đơn đang mắc kẹt trong đêm tối về câu hỏi cuộc đời…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ