Cây nguồn sống

Những cái chết trẻ luôn là một nỗi ám ảnh đối với chúng ta, dù là chết theo cách nào. Tôi viết bài này sau khi xem một bộ phim “The Fountain”, chỉ ít ngày sau khi đến thăm một cô bạn học đang sống thực vật vì ung thư não (khi cô còn đang mang thai một đứa bé – giờ thì cô mất đã được 5 năm). Cảm giác ta đang sống và phải chứng kiến những người khác chết đi trước mắt ta thật kinh khủng và ảm ảnh thực sự, đặt ra những câu hỏi nhức nhối cho chính cuộc đời ta đang sống mà có lẽ ngay lúc này ta cũng không trả lời được.
Mọi điều trên thế giới này đều có thể giả dối. Cuộc sống của không ít chúng ta cũng là giả dối, nhưng riêng cái chết là thật, rất thật. Tôi muốn post bài này để chia sẻ với mọi người, sau cái chết của một cầu thủ vô danh trên sân cỏ Italy (đau buồn thay, chỉ nhờ cái chết của anh mà ta biết anh từng tồn tại), sau khi đi viếng những người bạn đã thay nhau qua đời gần đây, trong đó có Đinh Vũ Hoàng Nguyên, một người trẻ như tôi.
“The Fountain” (Người bất tử) không phải là một phim dễ xem và sẽ càng trở nên khó xem đối với những người hời hợt, hoặc chỉ đơn thuần đi xem phim là để giải trí. Đó là bộ phim gồm 3 dòng suy tưởng đặc biệt về cuộc sống và cái chết, mà bất cứ những ai đã đọc kinh thánh đều có thể hiểu, vì bộ phim đã lấy đúng những triết lí của Thiên chúa để đưa lên màn ảnh.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một bác sĩ (diễn viên Hugh Jackman, từng đóng X-Men) đi tìm nguồn thuốc để kéo dài sự sống, và ước mơ lớn nhất của anh là làm thế nào để con người bất tử, và cô vợ là một nhà văn (diễn viên Rachel Weisz – Xác ước Ai cập) bị ung thư não sắp chết. Bác sĩ Creo, tên anh, đã lao vào những cuộc nghiên cứu ấy cho nhân loại và nguồn động lực lớn chính là bệnh tình của vợ mình, khi cô đang đi vào giai đoạn cuối đời. Công việc của bác sĩ Creo đã có những tiến bộ rõ rệt, tiếp thêm cho anh những hy vọng lớn, nhưng không kịp để cứu Izzi, vợ anh, vì cô đã qua đời đúng ngày anh nhận tin vui là cuộc nghiên cứu của anh đang tiến triển tốt đẹp.
           
Izzi viết một cuốn sách về một người hiệp sĩ đi đến Trung Mỹ để tìm kiếm một loại thuốc đặc biệt nhằm cứu Tây Ban Nha khỏi bị hủy diệt. Cuốn sách ấy cũng chính là viết cho anh, bác sĩ Creo, nhưng cô đã không kịp viết nốt chương cuối, vì cô đã qua đời, khi người hiệp sĩ đã đi đến nơi cần phải đến. Cô muốn anh viết, và anh hứa sẽ viết, một điều tương tự như cô bắt anh phải hứa, là anh sẽ tìm ra thuốc chữa cho cô, và cả nhân loại. Anh quan niệm: “Cái chết cũng là một căn bệnh, và phải tìm ra thuốc cho nó”. Anh đã viết chương cuối, để làm cô hài lòng, với một kết cục đẹp dù anh biết rằng, chương đó sẽ không bao giờ thành hiện thực. Bộ phim kết thúc khi anh bỏ vào nấm mồ cô một hạt giống tưởng tượng của cái cây nguồn sống bất diệt mà anh và cả nhân loại mãi đi tìm.
Bất tử và không bệnh tật là ước mơ nghìn đời của con người, nhưng họ chưa tìm ra và có lẽ không bao giờ tìm nổi, vì có cuộc sống là phải có cái chết, và như Izzi đã nói với Creo, sự kết thúc nào cũng có sự khởi đầu mới, đẹp đẽ hơn lên. Sự kết thúc nào cũng vậy, không chỉ là cuộc sống, là tình yêu, là công việc, là những suy nghĩ và trăn trở, và tôi nghĩ, cái cây nguồn sống chẳng nằm ở đâu trên trái đất này để ta phải cất công tìm đến. Cây nguồn sống nằm trong chính chúng ta, ở những hy vọng và lạc quan cho cuộc đời mỗi lúc gian khó, là những mầm cây nhú lên ngoài vườn hay cánh đồng, là những mầm sống trong bụng mẹ lớn dần lên từng phút giây.      
Tôi có một cô bạn, học 3 năm cấp III cùng nhau mà nói chuyện với nhau cũng chẳng nhiều và cũng không có ấn tượng mấy về nhau. Ra trường, gặp nhau mấy bận họp lớp, vậy mà cũng đã hơn 10 năm trôi qua, ai cũng có sự nghiệp, ai cũng có gia đình riêng. Rồi một hôm nhận tin dữ: bạn tôi bị ung thư não. Triệu trứng của bệnh ấy cũng bình thường. Một hôm bỗng quên quên nhớ nhớ, vài hôm sau bắt đầu đau đầu và nhìn mọi thứ mờ đi. Người ta phát hiện ngay một khối u trong não. Bạn tôi hôn mê ngay sau đấy và chỉ sống thực vật bằng máy.      
Điều đau đớn nhất, là bạn tôi đang có mang 7 tháng, một đứa con trai. Người ta tiếp tục duy trì sự sống thực vật cho cô để cứu lấy cái thai, với hy vọng nó sẽ sống dù mẹ nó không thể tồn tại. Ngày vào thăm cô trong bệnh viện, chúng tôi không thể kìm nước mắt. Một cô gái trẻ, xinh đẹp và giỏi giang, vừa lập gia đình được hơn năm, đang mang trong mình một đứa trẻ, đang nằm ở đó, trên giường bệnh, chẳng bao giờ biết được là chúng tôi đang ở đó, nhìn cô mà khóc, cũng không biết rằng cô chỉ tồn tại nếu người ta để cho máy chạy. Cô sống mà thực ra không sống.           
Xem bộ phim đó và nhớ đến cô mà thấy đau đớn. Ung thư có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời, và giết nhiều người ở Việt Nam hơn là bệnh AIDS. Tôi đã mất một người bạn vì ung thư và có thể mất bất cứ ai trên cõi đời này vì nó. Người ta không thể cứu được bạn tôi, vì không thể cứu được đứa trẻ. Đứa trẻ đã chết thai và chôn theo đó mọi hy vọng mong manh của cả gia đình. Vì thế, người ta đành phải cho cô ra đi. Ước gì có thể tìm ra cái cây bất tử đó, và một liều thuốc nào đó để chúng ta không còn những thứ bệnh nan y như thế nữa.
Vẫn biết sống chết là một quá trình của tự nhiên, sự đào thải của tự nhiên, giữa những gì yếu hơn để nhường chỗ cho những gì mạnh mẽ hơn, là điều hợp với thuyết tiến hóa, nhưng vẫn luôn cảm thấy hẫng hụt khi nghĩ đến những cái chết, khi đi qua bệnh viện K, khi thấy nỗi lo ngại về một điều bất trắc gì đó có thể ập đến ngay trên đầu mình. Một lời khuyên cho tất cả các bạn: mỗi năm, hãy đi khám sức khỏe một lần để có thể biết những thay đổi có chiều hướng tiêu cực của cơ thể. Người Việt Nam mình lười khám bệnh và uống thuốc lắm, không biết ngừa bệnh mà thường chữa bệnh khi đã để nó xảy ra rồi. Mức đề kháng của người Việt cũng thấp, và môi trường sống càng giết chúng ta nhanh hơn.  
“Con người vẫn miệt mài đi tìm cây nguồn sống, vẫn hy vọng vào những điều tốt đẹp ở phía trước. Nhưng cái chết vẫn đến. Và ở chỗ đó, những cuộc sống mới lại bắt đầu…” 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0705665349
Liên hệ